Giới thiệu chung

GIỚI THIỆU ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐÌNH KIM THƯỢNG
Ngày đăng 10/09/2024 | 01:06  | Lượt truy cập: 369

Thôn Kim Thượng – xã Kim Lũ – huyện Sóc Sơn – Hà Nội là một làng quê ở phía nam cuối huyện Đa Phúc xưa, nay là huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội giàu truyền thống văn hóa.  

Đình Kim Thượng được tọa lạc tại trung tâm thôn Kim Thượng thuộc xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, với tổng diện tích 1.484m2 (phía trước Đình là một ao Đình chiếm 1.206,2m2) đình quay hướng Tây.  Là nơi thờ tự thánh Hoàng làng Quý Minh, Đống Vĩnh, Đức thánh Tam Giang ( Trương Hống và Trương Hát), người đã có công lớn giữ yên bờ cõi, có công với dân, với nước. Đình  còn là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.

Đình Kim Thượng được xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2003. Song, trải qua thời gian, đến nay, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng tới cảnh quan di tích.

 

Được sự quan tâm của Nhà nước, năm 2022, Đình Kim Thượng được tiến hành tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư trên 26 tỷ đồng. Một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở đình có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất. Sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc là đặc điểm bao trùm của toàn bộ công trình. Ở đây, ngoài những dụng công trong nghệ thuật kiến trúc ra thì vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc được thể hiện ở các mảng chạm khắc dày đặc trên các đầu kẻ bẩy, các bức cốn mê đến các con rường... Những mảng chạm khắc ấy đã làm tròn chức năng thẩm mỹ, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của đình. Rõ ràng sự gia công của trí tuệ con người đã nâng hiệu quả bố trí không gian bên trong và kết cấu hình khối bên ngoài ngôi đình lên cao trên cả ba hình diện nghệ thuật, kỹ thuật và tư tưởng.

Đình Kim Thượng không những là nơi thờ tự, tổ chức lễ hội, mà ngôi đình còn gắn liền với lịch sự Kết nghĩa hai dân “Kim Lũ – Châu Lỗ”. Theo đó đúng 430 năm trước, tức năm Giáp Ngọ 1594, có một câu chuyện kết nghĩa huynh đệ sâu nặng tình cảm giữa hai ngôi làng ở đôi bờ sông. Hơn bốn thế kỷ thâm giao giữa người dân làng Châu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang và làng Kim Thượng, nay là xã Kim Lũ , huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã trở thành một truyền thống đẹp trong phong tục văn hoá làng xã ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.  

      Theo lịch sử của đất nước, vào tháng 3-1593, Trịnh Tùng cùng các quan văn đón vua Lê ra Thăng Long sau khi đã đuổi được quân nhà Mạc. Ngày 16-4, vua lên chính điện ban chiếu đại xá thuế toàn thiên hạ và cho nhân dân mở hội ăn mừng chiến thắng. Hưởng ứng ngày hội vui chung của đất nước đã thoát khỏi cảnh binh đao khói lửa, đêm 11-9-1593 dân Kim Thượng định giết một con trâu trắng để làm lễ tế thần và để dân làng liên hoan. Không ngờ con trâu lồng lên làm đứt dây chạc rồi chạy mất. Dân làng Kim Thượng hối hả đổ đi tìm nhưng không thấy

 

     Sáng sớm ngày 12-9, dân làng Châu Lỗ làm lễ tế thần ở đình đều ngạc nhiên khi thấy con trâu trắng rất lạ không biết từ đâu đến. Trâu nằm phục ngoài bãi cỏ trước cửa đình làng. Cũng sáng hôm ấy, dân Kim Thượng sau khi hỏi thăm tin tức ở các vùng lân cận biết tin trâu trắng đã bơi vượt sông Cầu sang tận Châu Lỗ, họ bèn vào đình làng Châu Lỗ gặp các cụ cao niên xin chuộc trâu. Các cụ bên Châu Lỗ mời khách trà nước và nói: Người là vàng, của là ngãi, không may trâu đứt chạc chạy sang đây, dân chúng tôi giữ giúp, nay xin trả lại chứ đâu dám lấy tiền chuộc của các ông. 

      Dân Kim Thượng rất cảm kích tấm lòng của người Châu Lỗ bèn dắt trâu về.

Nhưng không ngờ con trâu  trắng cứ nằm im và ngóc đầu về phía đình làng Châu Lỗ, không ai kéo đi được. Như một điềm trời báo, người Kim Thượng bèn cử người mang đồ sang đình Châu Lỗ làm lễ tạ thánh thần. Khi lễ xong thì người Kim Thượng mới dắt được con trâu trắng về làng mình.

     Sau sự kiện ấy thì dân hai làng đã mệnh danh con trâu trắng với cái tên rất kính trọng là “Ngưu Tinh”. Ngưu Tinh chính là ngôi sao trên trời ứng vào con trâu trắng ấy để tạo ra một sợi dây vô hình ràng buộc mối tình giữa dân hai làng Kim - Châu, tiến tới sự kết nghĩa huynh đệ sau này...

 


 

     Đến ngày 12-9 năm Giáp Ngọ, dân làng đôi bên quyết định chọn đình làng Châu Lỗ sát sông Cầu làm lễ kết nghĩa huynh đệ với lời thề thuỷ chung, son sắt: Bản kết nghĩa tình huynh đệ hai làng gồm hai tập sách dịch từ chữ Nôm với năm điều quy ước đó là :  Nam từ 15 tuổi trở lên mới được gánh góp việc của hai dân;  Chỉ giao dịch việc công, không giao dịch tư; Hai làng không được kết hôn với nhau; Giúp nhau trên tình nghĩa vô tư, không suy bì thiệt hơn, không hoàn lại; Người đến cư trú từ ba đời trở lên phải được dân đồng ý mới được gánh góp việc hai làng. Ngoài ra, để tỏ lòng kính trọng, quý mến, dân hai làng gọi nhau là “dân Anh”

Với những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật, ngôi Đình Kim Thượng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Vì lẽ đó, bất cứ ai đến đây, đều bị níu chân bởi vẻ đẹp kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng tinh xảo, cổ kính, không bề thế, phô trương mà rất gần gũi, thân thiết. Có thể nói, Đình Kim Thượng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian.

Ngô Mạnh Đức - VHTT