Giới thiệu chung

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại!
Ngày đăng 24/04/2025 | 02:24  | Lượt truy cập: 6

11h30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, thời khắc lịch sử cả dân tộc ta mong đợi đã đến, quân ta đánh chiếm Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, cờ giải phóng phấp phới bay trên nóc tòa nhà chính của Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tin chiến thắng vang lên khắp mọi miền Tổ quốc. Chúng ta đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên, khích lệ các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, miền Nam vẫn phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, toàn thể dân tộc Việt Nam trước sau như một đoàn kết đồng lòng, quyết đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ, hoàn thành cho kỳ được mục tiêu Tổ quốc thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Ở miền Bắc, sau kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững chắc cho đấu tranh thống nhất nước nhà, miền Bắc đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, căn bản xóa bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng Nhân dân ta vẫn một lòng theo Đảng, kiên cường, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Dù đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai thực thi những chính sách tàn ác như “tố cộng, diệt cộng”, Luật 10/59 để biến miền Nam thành nhà tù, trại giam, khiến cách mạng miền Nam bị dìm trong bể máu, hay những chính sách chiến tranh thâm độc như “Chiến tranh đặc biệt” mà thực chất là dùng người Việt đánh người Việt, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm mở rộng chiến tranh, thực hiện chiến tranh hủy diệt, song “Nhân dân Việt Nam quyết không sợ”. Chiến thắng ban đầu của cao trào Đồng Khởi (1959 - 1960) đã làm xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, tiếp theo đó là những chiến thắng vang dội Ấp Bắc (1963), Bình Giã (1964 - 1965), Ba Gia, Đồng Xoài (1965), Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Bàu Bàng… lần lượt làm phá sản các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán.

Ở miền Bắc, quân dân ta tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Với thắng lợi liên tiếp trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc bằng máy bay B52 của Mỹ, đỉnh cao là chiến thắng oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta đã khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973 về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta.

Sau khi hoàn thành chuẩn bị chiến lược cả về thế và lực, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được tiến hành từ ngày 4/3/1975 với các chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá chiến lược đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Cùng với giải phóng trên đất liền, ngày 14/4/1975, các đơn vị ta nổ súng tiến công các đảo thuộc vùng biển phía Nam của Tổ quốc, trong đó có quần đảo Trường Sa, giành lại chủ quyền các đảo vào ngày 29/4/1975. Từ ngày 30/4 đến đầu tháng 5/1975, bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang tiến công, kết hợp với sự nổi dậy của quần chúng nhân dân đã giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng biển, giải phóng Côn Đảo, Phú Quốc và các đảo ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc.

Đánh giá về tầm vóc thắng lợi của sự kiện lịch sử 30/4/1975, Đại hội IV của Đảng (tháng 12/1976) khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc.

Sau khi đất nước thống nhất, nước ta phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh để lại. Dù muôn trùng khó khăn, chúng ta vẫn kiên cường bảo vệ vững chắc lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam; đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khủng hoảng kinh tế xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có khi lên đến 774,7%, đời sống Nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ.

Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường cùng ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư. Năm 2024, quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt hơn 11.500 tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực: kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng, trong đó công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc của Việt Nam xếp thứ 54/143, chỉ số phát triển bền vững (SDGs) xếp thứ 54/166. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường trên nhiều mặt. Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 12 nước đối tác chiến lược toàn diện, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, với sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, kinh tế - xã hội của Hà Nội liên tục đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2024, Hà Nội đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Quý I/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao trong 5 năm gần đây; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý cao nhất cả nước, đạt 14,3 nghìn tỷ đồng, tăng 43,8%; thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 cả nước, đạt 1,4 tỷ USD, tăng 49,5%; an sinh xã hội được đảm bảo. Hà Nội còn là địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “luồng xanh”, “làn xanh” nhằm đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để, giảm thiểu các bước trung gian nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, biến những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam./.

Nhiệt liệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)!

BBT- ST

BÁO CÁO Kết quả thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao đến năm 2024 xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội
Ngày đăng 29/10/2024 | 07:40  | Lượt truy cập: 703

BÁO CÁO

Kết quả thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao đến năm 2024

xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội

Xem chi tiết tại đây

Bảng điểm chấm nông thôn mới nâng cao: Xem chi tiết tại đây

GIỚI THIỆU ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ ĐÌNH KIM THƯỢNG
Ngày đăng 10/09/2024 | 01:06  | Lượt truy cập: 368

Thôn Kim Thượng – xã Kim Lũ – huyện Sóc Sơn – Hà Nội là một làng quê ở phía nam cuối huyện Đa Phúc xưa, nay là huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội giàu truyền thống văn hóa.  

Đình Kim Thượng được tọa lạc tại trung tâm thôn Kim Thượng thuộc xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, với tổng diện tích 1.484m2 (phía trước Đình là một ao Đình chiếm 1.206,2m2) đình quay hướng Tây.  Là nơi thờ tự thánh Hoàng làng Quý Minh, Đống Vĩnh, Đức thánh Tam Giang ( Trương Hống và Trương Hát), người đã có công lớn giữ yên bờ cõi, có công với dân, với nước. Đình  còn là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng.

Đình Kim Thượng được xếp hạng di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2003. Song, trải qua thời gian, đến nay, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng tới cảnh quan di tích.

 

Được sự quan tâm của Nhà nước, năm 2022, Đình Kim Thượng được tiến hành tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư trên 26 tỷ đồng. Một đặc điểm rõ nét trong kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí ở đình có một mối quan hệ hữu cơ thống nhất. Sự hài hòa giữa kiến trúc và điêu khắc là đặc điểm bao trùm của toàn bộ công trình. Ở đây, ngoài những dụng công trong nghệ thuật kiến trúc ra thì vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc được thể hiện ở các mảng chạm khắc dày đặc trên các đầu kẻ bẩy, các bức cốn mê đến các con rường... Những mảng chạm khắc ấy đã làm tròn chức năng thẩm mỹ, góp phần làm tôn lên vẻ đẹp của đình. Rõ ràng sự gia công của trí tuệ con người đã nâng hiệu quả bố trí không gian bên trong và kết cấu hình khối bên ngoài ngôi đình lên cao trên cả ba hình diện nghệ thuật, kỹ thuật và tư tưởng.

Đình Kim Thượng không những là nơi thờ tự, tổ chức lễ hội, mà ngôi đình còn gắn liền với lịch sự Kết nghĩa hai dân “Kim Lũ – Châu Lỗ”. Theo đó đúng 430 năm trước, tức năm Giáp Ngọ 1594, có một câu chuyện kết nghĩa huynh đệ sâu nặng tình cảm giữa hai ngôi làng ở đôi bờ sông. Hơn bốn thế kỷ thâm giao giữa người dân làng Châu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang và làng Kim Thượng, nay là xã Kim Lũ , huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đã trở thành một truyền thống đẹp trong phong tục văn hoá làng xã ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.  

      Theo lịch sử của đất nước, vào tháng 3-1593, Trịnh Tùng cùng các quan văn đón vua Lê ra Thăng Long sau khi đã đuổi được quân nhà Mạc. Ngày 16-4, vua lên chính điện ban chiếu đại xá thuế toàn thiên hạ và cho nhân dân mở hội ăn mừng chiến thắng. Hưởng ứng ngày hội vui chung của đất nước đã thoát khỏi cảnh binh đao khói lửa, đêm 11-9-1593 dân Kim Thượng định giết một con trâu trắng để làm lễ tế thần và để dân làng liên hoan. Không ngờ con trâu lồng lên làm đứt dây chạc rồi chạy mất. Dân làng Kim Thượng hối hả đổ đi tìm nhưng không thấy

 

     Sáng sớm ngày 12-9, dân làng Châu Lỗ làm lễ tế thần ở đình đều ngạc nhiên khi thấy con trâu trắng rất lạ không biết từ đâu đến. Trâu nằm phục ngoài bãi cỏ trước cửa đình làng. Cũng sáng hôm ấy, dân Kim Thượng sau khi hỏi thăm tin tức ở các vùng lân cận biết tin trâu trắng đã bơi vượt sông Cầu sang tận Châu Lỗ, họ bèn vào đình làng Châu Lỗ gặp các cụ cao niên xin chuộc trâu. Các cụ bên Châu Lỗ mời khách trà nước và nói: Người là vàng, của là ngãi, không may trâu đứt chạc chạy sang đây, dân chúng tôi giữ giúp, nay xin trả lại chứ đâu dám lấy tiền chuộc của các ông. 

      Dân Kim Thượng rất cảm kích tấm lòng của người Châu Lỗ bèn dắt trâu về.

Nhưng không ngờ con trâu  trắng cứ nằm im và ngóc đầu về phía đình làng Châu Lỗ, không ai kéo đi được. Như một điềm trời báo, người Kim Thượng bèn cử người mang đồ sang đình Châu Lỗ làm lễ tạ thánh thần. Khi lễ xong thì người Kim Thượng mới dắt được con trâu trắng về làng mình.

     Sau sự kiện ấy thì dân hai làng đã mệnh danh con trâu trắng với cái tên rất kính trọng là “Ngưu Tinh”. Ngưu Tinh chính là ngôi sao trên trời ứng vào con trâu trắng ấy để tạo ra một sợi dây vô hình ràng buộc mối tình giữa dân hai làng Kim - Châu, tiến tới sự kết nghĩa huynh đệ sau này...

 


 

     Đến ngày 12-9 năm Giáp Ngọ, dân làng đôi bên quyết định chọn đình làng Châu Lỗ sát sông Cầu làm lễ kết nghĩa huynh đệ với lời thề thuỷ chung, son sắt: Bản kết nghĩa tình huynh đệ hai làng gồm hai tập sách dịch từ chữ Nôm với năm điều quy ước đó là :  Nam từ 15 tuổi trở lên mới được gánh góp việc của hai dân;  Chỉ giao dịch việc công, không giao dịch tư; Hai làng không được kết hôn với nhau; Giúp nhau trên tình nghĩa vô tư, không suy bì thiệt hơn, không hoàn lại; Người đến cư trú từ ba đời trở lên phải được dân đồng ý mới được gánh góp việc hai làng. Ngoài ra, để tỏ lòng kính trọng, quý mến, dân hai làng gọi nhau là “dân Anh”

Với những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật, ngôi Đình Kim Thượng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Vì lẽ đó, bất cứ ai đến đây, đều bị níu chân bởi vẻ đẹp kiến trúc tuy giản đơn, thô mộc nhưng tinh xảo, cổ kính, không bề thế, phô trương mà rất gần gũi, thân thiết. Có thể nói, Đình Kim Thượng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng trong dân gian.

Ngô Mạnh Đức - VHTT